Cúng tất niên là một phong tục đẹp của người Việt được tổ chức vào ngày cuối năm. Cúng tất niên thường được các gia đình thực hiện cả trong nhà và bên ngoài trời. Bài viết hôm nay, Riokupon sẽ giới thiệu cụ thể cho bạn đọc bài văn khấn cúng tất niên ngoài trời, mâm cúng và những lưu ý khi cúng tất niên ngoài trời để các bạn hiểu rõ và thực hiện đúng nhé.
Cúng tất niên là gì?
Lễ tất niên là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp lại với nhau để ăn một bữa cơm cuối cùng của năm thể hiện sự hiếu kính với các bậc tiên tổ, sự đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên với nhau. Bữa cơm tất niên là sự gắn kết tình cảm để họ có thể sẻ chia với nhau những điều đã qua trong năm cũ và những ý định, kế hoạch của bản thân, gia đình trong một năm mới sắp tới.
Cúng tất niên là một nghi lễ quan trọng thường được tổ chức vào ngày cuối năm âm lịch. Ngày tất niên sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu) hoặc ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ).
Vì năm 2024 là năm thiếu nên tháng 12 (tháng Chạp) chỉ có 29 ngày, vậy nên cúng tất niên vào ngày nào đẹp nhất?
- Ngày 26 tháng Chạp âm (tức ngày 25/1/2025 dương), nhằm ngày Giáp Ngọ, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn. Giờ đẹp cúng tất niên là các giờ: Tý (23h-1h), Sửu (1h-3h), Mẹo (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
- Ngày 29 tháng Chạp âm (tức ngày 28/1/2025 dương), nhằm ngày Đinh Dậu, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn. Giờ đẹp cúng tất niên là các giờ: Tý (23h-1h), Dần (3h-5h), Mẹo (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Dậu (17h-19h).
2 ngày cúng tất niên 2024 trên chỉ là gợi ý, còn tùy thuộc vào công việc, điều kiện thực tế thì mọi người có thể cúng vào thời gian phù hợp.
Mâm cúng tất niên ngoài trời
Chi tiết bài văn khấn cúng tất niên ngoài trời
Văn khấn cúng tất niên ngoài trời đọc sao cho chuẩn? Tham khảo văn khấn tất niên chi tiết tiếp với chúng tôi nhé!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
(Chắp tay vái lạy 3 lần)
Kính lạy: Hoàng Thiên hậu Thổ chư vị tôn Thần.
Ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức tôn Thần.
Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương.
Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, Ngài định Phúc Táo quân, các Ngài Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực này.
Hôm nay là ngày …… tháng Chạp năm 2024.
Tín chủ chúng con là: …………………………………………………………………
Ngụ tại: ………………………………………………………………………………….
Trước Án tọa kính cẩn bẩm báo: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Nay là ngày…. Tết, chúng con cùng toàn thể gia đình sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh, sửa lễ Tất niên, dâng cúng Thiên Địa, Tôn Thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư Linh.
Theo như thường lệ Tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn Thần, Liệt vị Gia tiên, bản xứ tiền hậu Chủ hương linh, giáng lâm án tọa. Phù thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia, lớn bé trẻ già, bình an thịnh vượng. Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông. Mọi người được chữ bình an, tháng ngày được hưởng phần lợi lộc. Âm phù – Dương trợ, sở nguyện tòng tâm. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.
Đây là tấm lòng thành của con và đại gia đình, cúi xin các Ngài chứng giám.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
(Chắp tay vái lạy 3 lần).
Đọc văn khấn cúng tất niên ngoài trời cần tỏ rõ sự trang nghiêm
Gợi ý mâm cúng tất niên ngoài trời
Mâm cúng Tất niên không nặng về vật chất, mà tùy thuộc vào điều kiện của gia chủ. Mâm cúng không to, lễ vật không quá nhiều những vẫn đảm bảo sự chỉn chu, tươm tất thể hiện tấm lòng của gia chủ.
Thông thường cúng Tất niên cần sắm lễ như sau:
- Trầu cau, nhang, đèn, giấy tiền, vàng mã, gạo, muối, trứng.
- Trà, rượu, bánh kẹo, bánh chưng, xôi, chè, cháo trắng, gà luộc.....
- Mâm cỗ: Tùy vào từng gia chủ mà mâm cúng chay hoặc là mâm cúng mặn những vẫn có đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, bày biện cẩn thận, đẹp mắt để dâng lên các cụ, thần linh.
+ Mâm cỗ chay sẽ gồm: đậu phụ sốt cà chua, rau củ xào, nem rán chay, nấm kho nước tương, canh rau củ quả/canh nấm đậu phụ...
Mâm cỗ chay cúng tất niên
+ Mâm cỗ mặn: Mỗi một địa phương sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên sẽ có sự khác biệt, đặc trưng của từng vùng miền. Nhưng nói chung đều hướng đến những món truyền thống như:
- Mâm cỗ cúng tất niên miền Bắc sẽ có bánh chưng/xôi, gà luộc, giò, thịt đông, rau củ xào thịt bò/tim cật, nộm, tôm hấp, nem rán, canh măng/canh bóng.
- Mâm cỗ cúng tất niên miền Trung thường có bánh tét, giò chả, thịt heo luộc, gỏi gà, củ kiệu và tôm khô, canh gà hạt sen/canh khổ qua.
- Mâm cỗ cúng tất niên miền Nam sẽ có bánh tét, thịt kho hột vịt, gỏi tôm thịt, canh khổ qua…
Mâm cỗ mặn cúng tất niên
Những lưu ý khi cúng tất niên ngoài trời cần biết
Cúng tất niên cuối năm là một buổi lễ quan trọng nên các gia đình cần lưu ý một vài điểm sau:
- Để bày tỏ lòng thành kính và sự trang nghiêm cho lễ cúng tất niên, chủ nhà cần vệ sinh sạch sẽ bàn thờ ngoài trời hoặc vị trí đặt mâm cúng ngoài trời.
- Mâm cúng tất niên ngoài trời không cần quá cầu kỳ nhưng cũng không nên quá sơ sài. Tùy vào điều kiện từng nhà mà mâm cúng lớn hay nhỏ, nhiều món ít hay nhiều.
- Khi cúng cần ăn mặc chỉn chu, đọc văn khấn với thái độ trịnh trọng, tôn nghiêm.
- Cần cúng tất niên ngoài trời đúng giờ.
Những lưu ý khi cúng tất niên ngoài trời
Bài văn khấn cúng tất niên ngoài trời đã được chúng tôi trình bày chi tiết ở trên. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn đọc có thêm những kiến thức hay để chuẩn bị lễ cúng tất niên được chu đáo, tố hảo cho năm mới may mắn, cát tường.
Jane Phạm